Những bí quyết trả lời các câu hỏi về lương bổng khi phỏng vấn xin việc làm
Ngay cả khi con số được đề nghị quá thấp so với kỳ vọng của bạn, tuyệt đối đừng nên phản ứng thái quá hoặc tỏ vẻ khó chịu. Điều này không mang lại bất kỳ lợi ích gì cho bạn trong cuộc đàm phán.
Nhiều người hỏi tôi rằng, trong buổi phỏng vấn, nếu được nhà tuyển dụng đặt vấn đề về lương bổng, thì tôi sẽ trả lời như thế nào. Hôm nay tôi sẽ chia sẻ một số kỹ năng mềm giúp bạn xử lý nếu bạn rơi vào tình huống này.
1. Khéo léo hoãn binh:
Bạn không nên trả lời ngay về khoản lương bổng, mà nên dùng kế hoãn binh bằng những câu trả lời khéo léo như sau: Qua vòng đầu phỏng vấn này, tôi nghĩ mình cần hiểu rõ hơn về các yêu cầu cụ thể của công việc. Tôi xin phép được đề cập đến mức lương trong các buổi phỏng vấn xin việc sau.
2. Tránh đề cập tới mức lương cũ:
Hiện nay Kinh tế trong nước và thế giới đều khó khăn. Rất nhiều doanh nghiệp đang cắt giảm lương để tiết kiệm chi phí quản lý. Vì vậy việc đề nghị một mức lương quá cao hay một mức lương tại công ty cũ là điều nên tránh. Để có mức lương cao như mong muốn, các bạn cần chứng tỏ được giá trị và khả năng làm việc thực sự của mình. Nếu nhà phỏng vấn không hỏi đến mức lương cũ của bạn, thì bạn không nên tiết lộ.
3. Trao đổi về mặt bằng lương của Công ty:
Trong tình huống nhà phỏng vấn bất ngờ hỏi về mong muốn về thu nhập, nhiều ứng viên có thể sẽ “giật mình”. Tuy nhiên, bạn cần bình tĩnh để tìm cách trả lời hợp lý nhất. Một cách là bạn có thể hỏi lại nhà phỏng vấn: Ông/bà có thể cho biết mức lương tương ứng dành cho vị trí tương đương? Ông/Bà có thể cho biết ngân sách của công ty dành cho vị trí này? Dựa vào câu trả lời của nhà tuyển dụng, các bạn có thể lấy đó làm mặt bằng để đưa ra mức lương phù hợp với mình. Theo tôi các bạn có thể lựa chọn mức lương ngang bằng hoặc cao hơn khoảng 10% so với mức lương tương ứng mà nhà tuyển dụng đưa ra.
4. Trao đổi về khoản thưởng:
Trong một năm có nhiều dịp để công ty có những khoản thưởng dành cho nhân viên của mình, ví dụ như thưởng Tết, thưởng Quốc Khánh, Thưởng sau khi hoàn thành nhiệm vụ, hoàn thành kế hoạch,… Đây cũng là một khoản thu nhập đáng kể mà bạn cần lưu ý. Bạn nên trao đổi với nhà tuyển dụng về khoản thưởng này. Ngoài ra các khoản như các chi phí đào tạo phát triển, chi phí khám chữa bệnh, chi phí giải trí, … hằng năm cũng nên trao đổi một cách khéo léo.
Những câu nói cần tránh khi thỏa thuận về mức lương với nhà tuyển dụng
1. “Tôi đồng ý [mức lương đầu tiên nhà tuyển dụng đề nghị”
Cũng như bất kỳ cuộc đàm phán nào, bạn hoàn toàn có thể đạt được mức lương cao hơn kỳ vọng nếu khéo léo. Vì vậy, chẳng có lý do gì để kết thúc trước khi nó có cơ hội bắt đầu.
2. “Tôi muốn mức lương X”
Đừng vội vàng đưa ra con số. Hãy để nhà tuyển dụng là người đầu tiên đề nghị mức lương cho bạn. Nhờ đó bạn có thể xem xét khoảng ngân sách tối thiểu cho vị trí ứng tuyển và có cơ hội để nâng dần mức lương từ đó.
3. “Đó là ngân sách tối đa mà anh/chị dành cho vị trí này?”
Ngay cả khi con số được đề nghị quá thấp so với kỳ vọng của bạn, tuyệt đối đừng nên phản ứng thái quá hoặc tỏ vẻ khó chịu. Điều này không mang lại bất kỳ lợi ích gì cho bạn trong cuộc đàm phán.
4. “Tôi không đồng ý/Tôi không nghĩ rằng…”
Trong đàm phán, bạn cần có sự linh hoạt và luôn sẵn sàng đưa ra những phương án bổ sung trong trường hợp không đạt được mong muốn ban đầu. Thể hiện sự từ chối bằng cách nói “Không” ngay lập tức có thể làm bạn nhanh chóng mất đi cơ hội có được công việc mơ ước ngay khi nó đã gần trong tầm tay.
5. “Có một công ty khác đang đề nghị mức lương tốt hơn cho tôi.”
Ngay cả khi đó là sự thật, đừng nên lật “lá bài” này để tạo áp lực với nhà tuyển dụng.
6. “Mức lương cuối cùng mà tôi chấp nhận là….”
Nghe như một lời thách thức thường dùng để kết thúc cuộc đàm phán. Nếu bạn đưa ra mức lương cuối cùng và nhà tuyển dụng không đồng ý, điều này có nghĩa là cuộc đàm phán sẽ chấm dứt và bạn không còn cơ hội để nhận việc làm này.
7. “Tôi cần mức lương X để…..”
Trong kỹ năng phỏng vấn xin việc, bạn không nên nói rằng bạn cần mức lương X để trả chi phí A, B,C,… hoặc trả nợ. Đừng mang những vấn đề cá nhân trong đàm phán lương vì năng lực, kinh nghiệm và sự phù hợp với vị trí ứng tuyển mới thực sự là cơ sở có giá trị để bạn thuyết phục nhà tuyển dụng.
8. “Mức lương tối thiểu tôi có thể nhận là X”
Nếu nhà tuyển dụng biết mức lương thấp nhất bạn sẵn lòng chấp nhận, đó có thể là tất cả những gì bạn sẽ nhận được.
9. “Mức lương này quá rẻ/tệ.”
Thẳng thắn nhưng đồng thời cần có sự khéo léo. Nếu bạn cảm thấy mức lương nhà tuyển dụng đề nghị quá bất hợp lý. Đừng tỏ thái độ khó chịu với cách nói này, nhà tuyển dụng không muốn tuyển dụng một người thiếu tôn trọng người khác.
10. “Tôi xứng đáng mức lương cao hơn.”
Hẳn là bạn muốn thể hiện giá trị của mình. Tuy nhiên, hãy cư xử thật khéo léo thay vì tỏ vẻ kiêu căng vì chẳng ai thích một người luôn cho rằng mình là người xuất sắc nhất.
Leave a Reply