Các nguyên tắc tuyển dụng cơ bản của tỷ phú Richard Branson

Vì sao Richard Branson sẵn sàng đưa một người lao công hay nhân viên tiếp tân lên vị trí lãnh đạo?

Hãy hình dung câu chuyện kỳ lạ này: Tỷ phú người Anh Richard Branson có một cuộc phỏng vấn với một nhóm ứng cử viên tại nhà riêng của mình. Ông cho một ông lão tài xế taxi 85 tuổi đón nhóm người này tại sân bay. Sau khi bác tài dỡ hết hành lý xuống nhà, tất cả mọi người ngồi xuống ghế.

Lúc này, bác tài xế mới tháo bỏ mặt nạ của mình ra và mọi người lúc này không khỏi ngạc nhiên vì đó lại chính là Branson. Một số người khi đi taxi đã thể hiện thái độ thô lỗ do không nhận ra Branson. Có người thậm chí còn mỉa mai, châm chọc ông. Kết quả là không có lấy một ứng cử viên nào được chọn.

Branson thừa nhận đây là một ví dụ hơi cực đoan nhưng câu chuyện trên cho thấy ông là người coi trọng tính cách trong việc đưa ra quyết định tuyển dụng nhân viên.

Việc có khả năng đối xử và giao tiếp tốt với người khác là một trong những nguyên tắc khắt khe của Branson khi chọn người. Dưới đây là 2 nguyên tắc khác trong việc tuyển dụng nhân sự của vị tỷ phú này.

“Hãy chọn người không thích theo khuôn phép”

Branson luôn tìm kiếm những nhân vật khác người vì bản thân ông cũng là một người thường xuyên chấp nhận rủi ro. “Chúng tôi muốn những cá nhân dám đương đầu với rủi ro, họ phải là những người không sợ vấp ngã”. Theo Branson, người nào dám chấp nhận rủi ro sẽ làm được những điều mà người khác chưa bao giờ thực hiện được.

Việc chấp nhận rủi ro chắc chắn sẽ có lần dẫn tới thất bại, và Branson cũng thừa nhận rằng mình đã nếm trải qua điều này. Nhưng khi Branson nói về thất bại của mình, ông rất thẳng thắn và khiêm tốn. Điều này cho thấy khả năng vực dậy của Branson sau khi gặp thất bại, và đó là lý do tại sao ông trở người thành công toàn diện.

“Tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để tránh thất bại. Nhưng nếu thất bại đến thì chỉ cần đến sáng hôm sau, cảm giác đó đã loại bỏ khỏi tâm trí. Tôi đã cố gắng học hỏi từ những thất bại và tôi luôn sẵn sàng cho những dự án tiếp theo ngay lập tức.”

Branson luôn tìm kiếm tố chất “nổi loạn” nơi những nhân viên tiềm năng, và có một cách để thực hiện điều này là lựa chọn từ những nhân sự đang có sẵn. Bằng cách này, ngay từ đầu Branson có thể thấy khả năng chấp nhận rủi ro, qua đó nắm được điểm mạnh và yếu của mỗi cá nhân một cách dễ dàng.

“Hãy tìm kiếm người tài giỏi và họ sẽ đến với bạn”

Branson là một người lạc quan bẩm sinh. Ông luôn thể hiện sự lạc quan ở khắp mọi nơi và đây cũng là một yếu tố quan trọng mà Branson tìm kiếm khi tuyển chọn nhân sự.

Có lần, một nhân viên dưới quyền đã ăn cắp nhiều đĩa nhạc từ cửa hàng Virgin của Branson. Sau khi gặp mặt nói chuyện với nhân viên này, Branson nhận ra nhân viên này nổi loạn theo một cách thức tích cực, do đó ông đã quyết định không sa thải nhân viên này. Thật bất ngờ, người đó không chỉ chấm dứt hành vi ăn cắp mà còn trở thành một người đóng góp rất nhiều cho công ty về sau này.

Đồng thời, Branson luôn cân nhắc bố trí những nhân viên chưa đạt yêu cầu trong công việc sang một vị trí mới phù hợp hơn, thay vì chấm dứt hợp đồng với họ.

Ngoài ra, ông cũng thích cất nhắc nhân viên lên các vị trí nằm ngoài những gì họ mong đợi, và điều này đã mang lại nhiều kết quả tốt. Branson kể lại việc ông từng tạo cơ hội một nhân viên lao công tại một phòng thu âm trở thành giám đốc quản lý của phòng thu đó. Tương tự như vậy, một nhân viên tiếp tân tại văn phòng Virgin ở Canada đã trở thành người điều hành quỹ từ thiện của hãng tại nước này.

Branson đo sự lạc quan của một người bằng cách quan sát xem người đó thường đưa ra lời khen ngợi hay là phê phán, chỉ trích. Những nhân viên thường động viên người khác luôn mang lại kết quả tốt hơn nhiều so với những người thích phê bình, Branson nhận xét. Chính vì thế, Branson chỉ muốn có những nhân viên biết cách khen ngợi và động viên ở trong công ty của mình.

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *